Bánh Mì Sữa Hokkaido

tẩm ướp gà nướng

Buổi sáng thức dậy bỗng nhiên thèm bánh mì sữa. Cũng vì "bỗng nhiên" nhiều lần như thế mà mình mãi không ốm được. ^o^
Bánh mì sữa chắc hẳn nhiều người đã từng ăn qua, đa phần các tiệm bánh ngọt đều có bán loại bánh này. Ở Mỹ vẫn có nhiều những ổ bánh như thế này, tuy nhiên mình vẫn thích tự làm ra loại bánh yêu thích để có thể điều chỉnh độ ngọt và cả béo của bánh. Nếu ai là "fan" của bánh mì thì đừng bỏ qua loại bánh này nhé!
Mình nướng bánh vào một buổi chiều trời gió lạnh, đứng bên chiếc lò nướng ấm áp và đón ổ bánh thơm phức mùi sữa mà thấy thật dễ chịu. Bánh rất thơm, ngọt nhẹ và mềm mại đến từng thớ bánh. Chỉ cần vài lát bánh, ấm trà và một người tri kỷ thì thấy đời nhẹ nhàng như mây ấy nhỉ?!

Nguyên liệu: (cho 1 ổ bánh mì gối 25cm x 14cm)

_ 300 grams bột mì đa dụng (all purpose flour).
_ 16 gram sữa bột.
_ 5 gram men làm bánh mì ( yeast).
_ 35 gram đường.
_ 4 gram muối.
_ 25->30 gram trứng gà (khoảng 1/2 quả trứng gà lớn).
_ 75 gram heavy whipping cream (kem tươi).
_ 125 gram sữa tươi không đường.
_ 1 muỗng canh heavy whipping cream để quét mặt bánh.
_ 1/2 chén bột mì để làm bột áo nếu nhồi bột bằng tay.
Khuôn bánh mì gối chiều dài 25 cm, chiều rộng 14 cm (xoa ít bơ hoặc đồ chống dính lên khuôn).

Cách làm:

1. Hâm sữa cho ấm ở nhiệt độ khoảng 37 đến 40 độ C (không để sữa nóng quá sẽ làm chết men). Cho sữa, men và đường vào chiếc bát sạch. Khuấy cho tan men và đường. Dùng màng bọc thực phẩm (ni lông) phủ lên chiếc bát rồi ủ ở nhiệt độ phòng khoảng 10 phút cho men nở như gạch cua.


   Men rất quan trọng và là yếu tố quyết định lớn trong sự thành công của chiếc bánh. Nếu bạn ủ mà men vẫn không nở (không nổi như gach cua) thì nên bỏ đi và làm lại. Có lần mình đã làm với men không nở, kết quả là bột ủ cũng nở kém, bánh thì dai và không mịn màng.
2. Trong một âu nhôm sạch cho bột mì, sữa bột, muối vào và khuấy đều hỗn hợp bột.

3. Trong một chiếc bát lớn, cho kem tươi và trứng gà vào rồi khuấy tan. Cho men đã ủ vào bát rồi khuấy đều với hỗn hợp kem trứng (hình 3).

4. Đổ bát kem, trứng và men vào hỗn hợp bột khô. Dùng thìa gỗ hoặc spatula trộn đều. Hỗn hợp bột khá ướt và dính tay.

5. Nhồi bột:
Nếu nhồi bằng tay: cho một ít bột áo ra một mặt phẳng sạch rồi cho khối bột vừa trộn lên mặt phẳng. Dùng tay nhồi đều bột khoảng 30-35 phút cho đến khi khối bột được mịn màng, đàn hồi và không dính tay.
Khối bột làm bánh mì loại này khá ướt so với các loại bánh khác mình từng làm, vì công thức này cho nhiều sữa và kem tươi. Do đó khi nhồi, bạn cho một ít bột áo ra nhồi, rồi lại thêm tí bột áo rồi nhồi tiếp. Nhồi khoảng 20 phút thì khối bột đã đỡ dính tay hơn nhiều.
Dùng một ngón tay ấn vào bột, nếu thấy vết lõm phồng lại là được. Khối bột lúc này đã mịn, đàn hồi và khô ráo hơn.
Nếu nhồi bằng máy: cho âu bột vào máy, nhồi bột ở tốc độ thấp khoảng 12 phút. Kiểm tra bột như cách nhồi bằng tay là ấn vào bột và thấy vết lõm phồng trở lại. Khối bột mịn màng và đàn hồi.
6. Cho ít dầu ăn vào một chiếc bát sạch, xoa đều dầu trên thành bát và đáy bát. Cho khối bột vừa nhồi vào, lật miếng bột lại cho dầu bao quanh bột. Dùng màng bọc thực phẩm (ni lông) phủ lên bát bột và ủ bột ở nhiệt độ phòng đến khi bột nở được gấp đôi (nơi mình ở nhiệt độ khá thấp nên mình thường mở lò nướng khoảng 30 giây cho lò vừa ấm rồi cho bột vào ủ, nhưng nếu ở Việt Nam khí hậu khô ráo và nóng thì bạn cứ ủ ở nhiệt độ phòng).

Mình không canh được chính xác là ủ bao lâu bột sẽ nở gấp đôi, có khi 40 phút, cũng có lần mình ủ 50 phút. Do đó bạn cứ canh bột nở gấp đôi là được. Có thể kiểm tra bột đã ủ đạt chưa bằng cách dùng ngón tay ấn vào bột, thấy vết lõm giữ nguyên là bột ủ đủ.

7. Cho bột lên mặt phẳng sạch, dùng tay ấn nhẹ cho khí thoát ra bớt. Mình muốn tạo hình bánh thành 4 múi nhỏ trong khuôn bánh mì gối nên cân và chia khối bột ra thành 4 phần bằng nhau, mỗi phần nặng khoảng 143 grams.
8. Cán từng phần bột vừa cân. Mình thường cán lần lượt từng phần bột. Đến khi cán hết phần thứ 4 thì bắt đầu quay trở lại miếng bột thứ 1 để tạo hình. Lúc bấy giờ thì các phần bột đã được nghỉ vài phút nên ít co giãn hơn nhiều.
9. Tạo hình miếng bột bằng cách cán miếng bột thành hình chữ nhật sau đó cuộn viên bột lại theo chiều dọc.
Cán dọc khối bột một lần bữa cho khối bột dẹp xuống.
Cuộn tròn viên bột lại rồi đặt vào khuôn.

Cách tạo hình từng phần bột

Cứ thế tạo hình cho hết 3 phần bột còn lại rồi đặt các viên bột vào khuôn.


Bạn có thể tạo hình khối bột bằng cách khác. Cách này không tạo múi cho ổ bánh mà bánh nở đều mặt. Bạn cũng không cần chia khối bột ra làm 4 phần để tạo múi như cách làm của mình. Cách tạo hình có thể tham khảo ở video này:


10. Mở lò nướng khoảng 30-40 giây ở 320 độ F (160 độ C) cho lò vừa ấm thì tắt lò. Xịt vào ít nước ấm (để khi ủ bột không bị khô).
Cho khuôn bánh vào lò, ủ thêm khoảng 35-45 phút cho bột nở gấp đôi.
Khi bột đã nở gần gấp đôi thì bạn có thể lấy khuôn bánh ra khỏi lò để bánh nở ở nhiệt độ  phòng thêm 5 đến 10 phút. Thời gian này thì mở lò nướng ở 340 độ F (170 độ C). Đến khi lò vừa nóng thì bột cũng vừa ủ đủ.
11.Quét nhẹ whipping cream (kem tươi) lên mặt bánh. Cho khay bánh vào lò nướng, nướng bánh khoảng 30- 35 phút đến khi mặt bánh vàng đều. Thường 5-7 phút cuối cùng mặt bánh thường bị vàng nhanh. Nếu thấy mặt bánh quá vàng, bạn có thể dùng giấy kẽm (giấy nhôm) phủ lên mặt bánh rồi tiếp tục nướng cho đủ thời gian.
12. Bánh chín, lấy ra khỏi lò. Lấy bánh ra khỏi khuôn. Để bánh nguội trên rack.

Bánh có thể dùng nóng ngay. Tuy nhiên mình thích cắt bánh thành từng lát nên đợi bánh nguội hoàn toàn mới cắt. Cắt bánh khi còn nóng thường bánh còn bết bên trong.
Bánh dùng ngon trong 1-2 ngày đầu. Đến ngày thứ 3 bánh có thể hơi khô, khi dùng thì cho bánh vào lò vi sóng quay khoảng 10 giây là bánh mềm mịn lại.
Sau khi ăn thử một lát bánh thì "chàng" của mình khen tấm tắc. Chàng thích vì bánh khá thơm, ruột bánh tuy mềm nhưng vẫn có độ dai vừa phải. Buổi chiều thảnh thơi nhấm nháp bánh với tách trà nóng thì tuyệt lắm!

Nháy mắt trái

Cách làm sữa chua

Vo lam lau



Nhãn bài viết:
Blog, Updated at: 14:00